Ngôn tình trong “Tam sinh tam thế” và “Hương mật tựa khói sương”

Vừa xem lại “Tam sinh tam thế” và ngó qua 1 chút “Hương mật tựa khói sương”, mới nhớ lại cái bài blog hồi 2 năm trước sau khi lần đầu xem Tam Sinh Tam Thế đ. Giờ nhiều thứ ngẫm lại thấy vẫn còn thú vị nên lại muốn viết thêm vào. Hehe

Trước giờ mình xếp phim ảnh vào 2 loại: loại xem phải dùng não và loại xem có thể “cất” não. Phim dài tập Trung Quốc và Hàn Quốc đa số thuộc loại có thể cất não khi xem. Đơn giản vì chúng chủ yếu là ngôn tình, mo-tip chung là đấu tranh cho tình yêu, hi sinh, trải qua muôn ngàn kiếp nạn thống khổ, sinh ly tử biệt để rồi kết thúc đa số là có hậu (đối với nhân vật chính thôi, còn sẽ luôn luôn có các nhân vật phụ số kiếp hơi “nhọ” làm nền). Nếu dùng não logic để xem những phim này thì sẽ thấy vô số tình tiết bất hợp lý. Tuy nhiên, khi tinh thần đang không tốt hoặc không muốn suy nghĩ nhiều nhức đầu và sẵng sàng buông trôi cảm xúc thì thể loại này lại vô cùng thích hơp, có thể xem để buồn vui theo nhân vật, thậm chí đôi lúc khóc theo vài cảnh thượng thương tâm trong tình tiết câu chuyện.

Mình không đánh giá “Tam Sinh Tam Thế”  tuyệt vời như báo chí và cộng đồng si mê ngôn tình ca ngợi, cũng lại càng thấy “Hương mật” tuy mo – tip giống nhưng không cùng “đẳng cấp” với “Tam sinh tam thế” chút nào.

Tuy nhiên chúng vẫn thú vị để ngẫm nghĩ ở nhiều tình tiết. Vì thế mình Viết tóm tắt lại đây những điều thấy có phần hay ho sau khi xem và so sánh giữa 2 phim.

60 năm phàm trần thực ra là quãng thời gian rất ngắn ngủi. 

1 ngày thiên giới bằng 1 năm hạ giới. Thần tiên sống vạn năm này qua vạn năm khác, mà chưa chắc sung sướng, cũng tranh đấu thiệt hơn, tranh dành quyền lực, tranh dành địa bàn, trải qua kiếp nạn thống khổ chết đi sống lại hồn phi phách tán. Bởi vậy, sống ở đâu không quan trọng, sống bao lâu cũng không quan trọng. Quan trọng là ít sân si, biết đủ là đủ, nhìn ra cái hạnh phúc trong đời sống mỗi ngày.

Phần quy đổi ngày của thiên giới và hạ giới trong Tam Sinh Tam thế chặt chẽ logic hơn hẳn Hương mật, trong hương mật chỉ có đúng 1 chi tiết đi lịch kiếp 10 năm của Cẩm Mịch, tính ra là 10 ngày ở thiên giới, nhưng mình chẳng hiểu kiểu gì mà cô nàng được sinh ra, trưởng thành, trở thành thánh nữ của Thánh Y tộc và có 1 mối tình sâu sắc với Tập Vương (là Húc Phượng, nhị điện hạ thiên giới) trong vỏn vẹn 10 năm phàm trần, thiệt vô lý hết sức. (hoặc là mình không nghe đc tiếng Trung và ai đó làm sub viết sai số chỗ này thoy =]])

Cái gì cũng có cái giá của nó. Đừng tưởng ngon ăn, cũng đừng vội trách móc tạo hóa.

Các vị tiên thánh, tu này tu nọi nói chung cũng giống như chúng ta đi học, phải có bài kiểm tra đạt đủ điểm thì mới có thể lên lớp. Tư Âm (hay bất cứ thần tiên nào), để được phi thăng cấp “thượng tiên” phải chịu được 3 cú sấm đánh trực diện, thừa sống thiếu chết, vượt qua được thì lên tầng tiên này tiên nọ, không qua được thì mất mạng, coi như uổng phí mấy vạn năm cực khổ luyện tu vi. Rồi từ “thượng tiên” muốn phi thăng “thượng thần” phải trải qua lich kiếp nếm trải qua đủ đau khổ trái ngang phàm trần mấy chục năm trong kiếp con người. Khi hoàn thành bài kiểm tra để thăng cấp thành công vẫn không thể xóa những kí ức đau khổ ấy, cứ vậy mà phải nhớ thêm những nỗi khổ từng kinh qua không biết mấy chục vạn năm nữa. Như mình thấy, nếu thật vậy thì làm thần tiên cũng chẳng sung sướng gì, thà cứ làm người phàm, hết 60 năm đau khổ thì xóa kí ức, lật sang trang mới để tiếp tục tự viết lên những ngày tháng tươi đẹp, tâm hồn lại như được tái sinh. Há lại chẳng thú vị hơn.

Ở khía cạnh này 1 lần nữa Tam Sinh Tam Thế cũng làm tốt hơn Hương Mật. Mặc dù Bạch Khiển và Dạ Hoa đều thân phận cao quý của Thiện Tộc và Hồ tộc nhưng cũng không nằm ngoài quy tắc và điều kiện để “phi thăng” này. Họ được sinh ra trong 1 thân phận có đầy tiềm năng thì khả năng lĩnh hội, linh lực, nội công có phần ưu tú hơn, nhưng vẫn phải trải qua đủ những bài kiểm tra hóc búa thừa sống thiếu chết để tăng cấp bậc như bao tiên nhân tiền bối khác.

Còn Hương Mật, chỉ cần là con gái của Hoa Thần tự nhiên được Thủy Thần đề xuất và Thiên đế chấp thuận tăng cấp thượng tiên, bổ nhiệm làm Hoa Thần mà chẳng qua bất cứ 1 kỳ kiểm tra linh lực, năng lực, tâm lực, trí lực nào hết; Y như cách xử lý theo luật “Con ông cháu cha” của phàm trần vậy đó.

Yêu ghét phân minh, ân oán rạch ròi. 

Sống nên có lòng nhân, nhưng tuyệt đối không tự biến nó trở thành điểm yếu để kẻ tiểu nhân lợi dụng. Trong Tam Sinh Tam Thế, Bạch Khiển Thanh Khâu đã thể hiện rất mạnh mẽ cá tính này. Khi đã trở thành “Thượng thần” sau khi trải qua trận lịch kiếp đầy oan thương, đau đớn; nàng nhất quyết đến Tẩy Ngô Cung móc lại đôi mắt từ ả trắc Phi tiểu nhân đã hãm hại và lấy của cô năm xưa. Lấy về sạch sẽ những thứ thuộc về mình, dứt khoát không nhân nhượng. Nhưng cô lại khéo léo tha thứ và giúp đỡ cho con trai  Thiếu Tân (người đã phản bội cô) bởi Thiếu Tân vốn người tốt nhưng vì hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến chuyện cũ tình và lý khó vẹn.

Bạch Khiển yêu thật sâu, nghĩa thật tận, sẵn sàng chết để bảo vệ thầy và huynh đệ; nhưng oán thì sẽ giũ sạch sẽ, trong mắt tuyệt đối không thể có 1 hạt cát. Nàng khi bị Ly Kính phụ tình không bi lụy, khi bị hãm hại không hồ đồ, không sợ quyền lực sai trái và cũng biết sử dụng quyền lực của bản thân để đe dọa những kẻ lòng đầy âm mưu. Điểm mình đặc biệt thích ở nhân vật này, là cả lời nói và hành động đều vô cùng dứt khoát. Thật hay cho nhân vật nữ chính, đây là kiểu tính cách mình rất thích, khác hẳn với kiểu nhi nữ hiền dịu nhưng yếu mềm ngu muội, từ đầu đến cuối toàn phải nhờ hết người này đến người khác vì si tình mà che chở hi sinh cho.

Một lần nữa, mình lại đánh giá cao “Tam sinh tam thế” hơn “Hương Mật”. Nếu Tam sinh có Bạch Khiển cao ngạo mạnh mẽ thâm tình trí tuệ thì Hương Mật từ đầu đến cuối chỉ là 1 cô nàng Cẩm Mịch năng lực chẳng có gì vượt trội ngoài phần linh lực được thừa hưởng từ việc là con gái của Hoa Thần, ngoài điểm sáng duy nhất là giai đoạn đầu lạc quan yêu đời thì tất cả còn lại đều thể hiện sự yếu đuối, ngu muộn và vô dụng. Tuy bị cho uống Vẫn Đan từ nhỏ nên không biết được tình yêu là gì, nhưng nàng ta vẫn có trí não bình thường, vẫn có đủ khả năng hiểu được tình bạn, tình phụ tử, huynh đệ, tỷ muộn và nhất là sự chân thành, niềm tin và cái tình giữa con người (tiên nhân) với nhau chứ, đâu phải trên đời này chỉ có mỗi tình yêu mới là thứ tình sâu đậm, đâu phải vì đau lòng mà có quyền hồ đồ.

Mình nhớ mãi chi tiết lão thúc phụ hồ ly của Húc Phương đặt tay vào lồng ngực mình thét lên đau đớn khi biết nguyên nhân Cẩm Mịch giết nhầm Húc Phượng rằng: “Ngươi chỉ vì tin theo 1 giấc mơ vô căn cứ mà nhẫn tâm giết nó, còn ta, ta chỉ tin vào chỗ này của mình thôi. Ta đã nhìn nó lớn lên, ta tin nó không bao giờ làm ra những chuyện trái đạo lý này”. Nàng Cẩm Mịnh từ khi biết sự thật về sự ngu muộn của mình chỉ biết khóc và khóc, mặc dù hi sinh đủ kiểu để để cứu lại Húc Phượng nhưng từ đầu đến cuối đều yếu đuối, và sự hi sinh đó chỉ là cái giá phải trả cho chính sai lầm của mình chứ chẳng phải là hi sinh cho tình yêu cao cả gì hết. Đến ngay cả cái bản lĩnh vạch trần kẻ xấu hãm hại mình hết lần này đến lần khác cũng không có, cuối cùng vẫn phải nhờ công chúa Lưu Anh và Húc Phượng tự sáng suốt mà phát giác vạch trần giúp. Nói chung xét về tuyến nhân vật, cá nhân mình cho rằng nhân vật này là sự tồn tại vừa đáng thương vừa vô dụng, làm loạn thiên địa và từ đầu đến cuối nhưng chẳng để lại bất cứ ích lợi gì cho lục giới. Việc lấy thân mình ngăn cuộc chiến Thiên – Ma ở cuối phim của Cẩm Mịch cũng chẳng đáng để vinh danh gì vì cuộc chiến đó do chính nàng ta mà ra.

Còn ở Tam Sinh Tam Thế, mỗi nhân vật, dù tồn tại hay đã hi sinh, đều hầu hết gắn liền với 1 ý nghĩa cống hiến, để lại dấu ấn cho sự thanh bình của Tứ Hải Bát Quang, từ Mặc Uyên, Dạ Hoa, Bạch Khiển đến cả Đông Hoa Đế Quân, Bạch Phượng Cửu, Ly Kính,…

Đã yêu hãy dũng cảm bước qua vạch xuất phát

Trong Tam Sinh Tam Thế, Ly Kính dám đi theo tiếng gọi của con tim, bỏ Dực giới để đến tận Gò Côn Luân tìm Tư Âm, nhưng đến phút cuối lại không vượt qua được quan điểm người đời rằng Thiên giới và Dực giới đến với nhau sẽ không có kết quả, buông xuông khi chưa kịp thử, kết quả chỉ thấy là hối hận 1 đời. Suốt 14 vạn năm khắc khoải, sống đời quân vương mà không hạnh phúc nổi cho đến giây phút cuối cùng. Điểm sáng duy nhất là sự hi sinh tính mạng của hắn cho Tứ hải Bát Quang để đến khi chết rồi được phong tặng danh hiệu =]]

Trái tim vốn dĩ không thể cưỡng cầu bằng các âm mưu, cuối cùng chỉ là hại mình hại người

Cả đời trái tim Ly Kính dành cho Bạch Khiển, còn trái tim Huyền Nữ lại đặt vào Ly Kính, để rồi nàng Huyền Nữ làm biết bao chuyện ác, hại biết bao người vô tội, bản thân cũng chịu không biết bao nhiêu tổn thất và cả thể xác lẫn tinh thần. Vẫn chẳng được gì ngoài chết trong ấm ức. Đến tận phút cuối cùng trong sự sống của Huyền Nữ, Ly Kính mới lần đầu tiên chùi nước mắt và nhìn kỹ gương mặt của nàng (vị Vương hậu đã bên mình hơn 7 vạn năm). Nàng ta tuy tội lớn nhưng xét ra thì đời cũng thật bi thương. Chỉ cần 1 trong 2 người có ai đó chịu dừng lại cho mình và cho người cơ hội, mọi thứ đã khác.

Ở Hương Mật, Nhuận Ngọc âm mưu đủ kiểu cuối cùng vẫn ra về tay trắng. Ban đầu chàng đã là 1 sự tồn tại đầy những tổn thương, những tưởng tình yêu sẽ là liều thuốc chữa lành, những càng âm mưu để giành giựt thì thuốc không những không có mà vết thương ngày 1 lỡ loét. Để rồi cuối cùng, chàng bước chân lên chính cái nơi mà cha mình (Thiên đế Thái Vi) đã từ nói trước kia: “Thiên đế chính là kẻ tù nhân đau khổ nhất”.

Người lạnh lùng cỡ nào cũng có cảm xúc và cảm xúc thì cũng như bao người

Dạ Hoa lạnh lùng như thể 1 tính cách bẩm sinh (bởi sự uất ức về kì vọng của tiền nhân), nhưng khi gặp đúng người, vào đúng thời điểm, tự khắc sục sôi và mãnh liệt. Bởi vậy ngàn van lần, không nên mất niềm tin vào chuyện cảm xúc.

Nhuận Ngọc và Húc Phượng cũng vậy, thủa đầu kẻ thanh tú nho nhã người anh hùng khẳng khái, mấy vạn năm lạnh lùng chẳng động chút lòng xuân, ấy vậy mà chỉ cần đúng người, tự khắc tránh không khỏi.

Từ các dự liệu trên, mình rút ra rằng các thánh FA, hãy kiên trì, thật kiên trì, thời vận rồi cũng sẽ tới nha =]]

Dám nói yêu, hãy dám hi sinh; Nhưng hãy hi sinh thông minh, trách nhiệm và xứng đáng.

Dạ Hoa năm lần bảy lượt hi sinh cho Bạch Khiển, dù là công lực, tu vi, vương vị hay tính mạng. Nhưng mỗi lần như vậy đều tính toán vô cùng kỹ lưỡng và thực hiện trong những tình thế mà đó là cách vẹn toàn duy nhất. Mặc dù không phải lúc nào cũng thành công, nhưng chí ít, chúng đều ít nhiều xứng đáng. Mình thích mấy vai diễn thông minh như vậy, hi sinh vì mục đích viên mãn cuối cùng (dù phải kiên trì và phần trăm điêu linh sự sống cao), chứ không kiểu hi sinh tính mạng (chết luôn) để người ở lại hạnh phúc (theo cách nghĩ phiến diện của kẻ hi sinh), trong khi đứa còn lại thì đau khổ chết bà chứ hạnh phúc nỗi gì.

Húc Phương trong Hương Mật cũng tài giỏi trí tuệ, tuy nhiên xét về tình tiết thông minh sâu đậm trong tình yêu, mình đánh giá vai Dạ Hoa có nhiều đất để thể hiện hơn.

Cho dù có là thần tiên đầy phép thuật thiên biến vạn hóa, cũng không thể thấu hiểu thiên địa nếu chưa từng trải qua đầy đủ 6 nỗi khổ của nhân gian.

Vì phim ngôn tình nên chủ yếu tập trung vào nỗi khổ của tình kiếp, sau khi xem xong mình có google để tìm hiểu về các nỗi khổ còn lại thì chỉ tìm ra 1 quan điểm phân loại theo bát khổ (sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, Ái biệt ly khổ, Cầu bất đắc khổ, Oán tắng hội khổ, Ngũ ấm thạnh khổ). Mình nghĩ số lượng có khác chút nhưng nội dung chắc cũng tương đồng. Khi Mặc Uyên hồn siêu phách lạch, đệ tử Tư Âm đau khổ quyết cố thủ bên thi thể sự phụ, sau còn không chịu an táng ở thánh địa mà âm thầm “chôm” thi thể này đi mất vì nuôi hi vọng 1 ngày có thể làm Mặc Uyên tỉnh lại. Gần cuối phim Đông Hoa đế quân có thốt lên 1 câu về tình tiết này, ông bảo khi xưa thấy chuyện này thực nực cười, nhưng sau khi lịch kiếp 60 năm ở phàm trần, ông mới thấu hiểu vì sao Tư Âm lại làm vậy.

Có những chuyện không bao giờ có thể thấu hiểu, nếu chưa từng đi qua. Đau khổ càng nhiều, thương tâm càng nhiều, bi đát càng nhiều thì con người ta mới có thể vị tha hơn với hành động của người khác.

Sức mạnh càng lớn, cô đơn càng lớn.

Để  bảo vệ tứ hải bát quang (đại loại là toàn bộ nhân sinh trong trời đất), để trở nên bất khả chiến bại trong cuộc chiến với phe phản diện, Đông Hoa đế quân đã tự hủy tên mình trên đá Tam Sinh (nơi ghi nhân duyên của tất cả chúng sinh trong thiên địa). Ông làm như vậy cũng là tự hủy đi nhân duyên của mình; Kể từ thời khắc đó, nếu ông để bản thân sa chân vào, tất cả sẽ trở thành nghiệp duyên, hại ông, hại người kia, và cũng phương hại đến của tứ hải bát quang. Thật thê thảm cho Phượng Cửu, vì đã lỡ đặt trái tim vào 1 phiến đá không thể dịch chuyển. Cũng thật đáng thương cho 1 vị đế quân làm chủ được cả thiên địa, nhưng không làm chủ được tình duyên của mình, rõ ràng biết yêu, nhưng không thể tới. Sức mạnh càng lớn, tránh nhiệm càng nhiều và bất hạnh cũng level càng bá đạo. Bởi vậy, đời cũng nên biết đủ là đủ, đừng nên so sánh quá, đôi khi những bậc trên cao kia, nhìn vậy chứ cô đơn lắm. Hoặc là giờ muốn lên cao, cũng nên chuẩn bị tinh thần cho nỗi cô đơn.

Cũng sự cô đơn này, ở Hương Mật thì Thiên Đế Nhuận Ngọc là người nếm trải. Tuy nhiên, mình đánh giá Tam Sinh Tam Thế thể hiện được ý nghĩa rộng lớn hơn, nhân văn hơn, là hi sinh tình yêu để trách nhiệm với toàn sinh linh của Tứ Hải Bát Quang. Còn ở Hương Mật, sự cô đơn thấy được ở cuối phim là quả báo cho những âm mưa quyền lực và tình ái suốt chặng đường dài, cô đơn như 1 hình phạt mà Nhuận Ngọc đặt lên cho chính mình, chọn lấy cho chính mình, bởi đến cuối cùng của cuối cùng, vẫn còn nàng Quảng Lộ 1 lòng 1 dạ vì người, nhưng chính người đến phút ấy vẫn không nhận lấy.

Nhân gian phải chăng là nơi tươi đẹp nhất?

Điểm duy nhất mình đánh giá ngang nhau ở Tam Sinh Tam Thế và Hương Mật là ca ngợi sự thanh bình và những kỉ niệm đẹp chốn nhân gian. Nơi định tình của cả 2 cặp đôi tỏa sáng nhất 2 phim là Dạ Hoa – Bạch Khiển và Húc Phượng – Cẩm Mịch đều tại khu rừng chốn nhân gian. Những giây phút tình yêu đẹp đẽ nhất đều nảy nở tại nhân gian và cuối cùng cả 2 cặp đôi đều trở về sống quy ẩn những ngày sung túc bên nhau đến trọn đời cũng tại nhân gian.

Dù có mơ mộng đến tiên cảnh, thánh địa, phép thuật, sự sống ngàn vạn năm; thì con người ơi, cũng chẳng có nơi nào đẹp hơn chốn hồng trần này, đẹp hơn những giây phút bình yên thưởng trăng ngắm hoa bầu bạn với thiên nhiên. Quyền lực đia vị không làm trái tim ta có nhau, cũng không làm lòng chúng ta bình an.

Khá hay cho thể loại huyền huyễn này, dẫn dắt khán giả đi vòng vòng miền viễn tưởng hão huyền rồi cuối cùng cũng biết đưa họ về nơi sát với thực tại cùng những triết lý nhân văn của chính con người.

Đây cũng là 1 trong những chi tiết làm mình thích thú ở thể loại phim này, tưởng viễn vông mà không hề viễn vông.

——————————–

Phim thì xem đủ các thể loại, mà lâu lâu rảnh mới có thời gian lật lại viết lời sân si. Đây là hoàn là ý kiến cá nhân. Bè bạn fan Hương Mật có ghé qua đừng có ném đá mình nha :)))))

5 thoughts on “Ngôn tình trong “Tam sinh tam thế” và “Hương mật tựa khói sương”

  1. Mình cũng vừa xem hết Hương mật, tự dưng tìm được bài này của bạn trên mạng. Tất cả mọi thứ bạn viết thật sự rất đúng ý mình. Hồi đầu khi xem Hương Mật đến lúc mẹ Nhuận Ngọc bị giết hại, mình đã nghĩ phim này chỉ trừ nữ chính theo kiểu ngốc nghếch ra thì có thể sánh ngang với Tam sinh tam thế, vì Lục giới trong Hương Mật được thể hiện kĩ hơn và rõ hơn, các loại phép thuật cũng phong phú hơn, chi tiết hơn. Các nhân vật cũng có nhiều đất diễn, các loại chuyện tình của những người khác nhau đều được kể chi tiết. Kỹ xảo đẹp, trang phục rất chăm chút. Ở tam sinh tam thế thì do bối cảnh là thuở Hồng hoang nên nó phải đơn sơ hơn Hương mật, Hương Mật còn có Hoa giới, ma giới, tiên giới, nhân giới, điểu tộc, diệt linh tộc,… Trong tam sinh tam thế thì các giới khác không được đề cập đến nhiều lắm.
    Nhưng xem về phần nửa sau của phim, và đến lúc xem hết thì mình nghĩ lại. Phim này đúng là không thể cùng đẳng cấp với tam sinh tam thế. Lí do thì đều như bạn nói, thời gian trong phim được thể hiện rất rõ ràng, mình cũng thích cái cách tam sinh tam thế thể hiện rõ các cấp bậc thăng tiên. Và hơn cả là mình cũng thích tuyến nhân vật thông minh, biết suy nghĩ và tính toán chứ không hồ đồ, bồng bột. Nên trong Hương mật sau tất cả mình chỉ thích được mỗi Nhuận Ngọc, vì anh có đầu óc và biết tính toán hehe.
    Thế nên Tam sinh tam thế giờ vẫn giữ kỉ lục bộ phim truyền hình có lượt xem và doanh thu cao nhất toàn Trung Quốc, chưa có phim nào vượt được.
    Có điều, theo mình biết thì nữ chính Tam sinh tam thế tên là Bạch Thiển chứ không phải Bạch Khiển? Chắc là bạn xem ở đâu có bản dịch khác.

    À!! Và hoàn toàn đồng ý với quan điểm có những bộ phim xem mà có thể cất não của bạn nhaaa. Mình bình thường rất ít xem phim Trung Quốc, cơ mà dạo gần đây lại hay xem. Bạn bè mình hỏi tại sao đổi gu, mình toàn trả lời “tại đi làm nhiều về mệt, không muốn xem phim mà phải dùng não”.

  2. Tam sinh tam thê thật lý đào hoa xem phim mà không thấy khoảng cách nhân vật chính phụ. Mỗi nhân vật trong phim đều như là nhân vật chính trong câu truyện của họ, họ xuất hiện dù rất ngắn cũng nói lên câu truyện của chính mình

  3. Mình mới xem những tập đầu của Hương Mật thôi nhưng cảm giác của mình khá giống với bài bạn viết. Không hiểu sao mình thích sự đơn giản trong tạo cảnh của Tam Sinh Tam Thế hơn Hương Mật và mỗi nhân vật xuất hiện đều tạo cho mình ấn tượng. Mình cũng không thích tính cách của nữ chính Cẩm Mịch bằng Bạch Thiển. Có lẽ mình sẽ xem thêm vài tập nữa xem Hương Mật có giữ nổi chân mình tới cuối không 🙂

    1. Rồi bạn có xem hết không? Mình xem TSTT trước, ấn tượng ban đầu còn không biết ai là nam chính, xem vì thích nét đẹp Dương Mịch. Mình còn không biết Dạ Hoa và sư phụ DM là cùng 1 người đóng luôn. Đến tầm vài tập mới xác định được nam chính thì thật không ngấm nổi, xấu quá. Ấn tượng ban đầu là vậy mà sau bị ám ảnh bởi ánh mắt của Dạ Hoa khi nhìn BT, rất thích ánh mắt lúc nhìn Tố Cẩm, lột cả tất cả cảm xúc không lời. Vì ám ảnh quá mà cứ mong đi tìm 1 phim như vậy để xem. Rồi tìm ra Hương mật. Ấn tượng ban đầu là phim này quy mô, ẩn ý đều không bằng TSTT. Nhưng càng xem lại càng không thoát ra được ánh mắt, nụ cười của Húc Phượng. :)). Tuy mê trai là vậy, nhưng quả thật cũng cảm nhận được nhiều thứ “vô thường” như ở trên có nói. Xem phim vì phim k cần não mà rốt cuộc xem lại vì cần động não.
      Cảm ơn bài viết của tác giả, là những gì m cảm nhận được nhưng không thể hành văn, đã lưu lại để thời gian sau ngẫm lại.

Leave a comment